Hai ngôi đình làng của xã Vũ Đoài
Ngày 10/06/2020

Vũ Đoài có 2 ngôi đình làng (Đông Đoài và An Thái) đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa.

 

Giới thiệu về 2 ngôi đình làng

---

Từ yêu cầu về đời sống văn hoá tinh thần, các làng tổ chức xây đình, xây chùa; các họ tộc xây dựng từ đường thờ cúng tổ tiên, các xóm dựng miếu; các gia đình lập cây hương, cây đèn ở ngoài sân, lập bàn thờ ông bà cha mẹ trong nhà. Theo cổ nhân truyền lại, vào thời nhà Lý, làng Đông Đoài và An Phú, mỗi làng xây một đình; đình hai làng đều thờ Thánh Bạch Hạc, đình An Phú có tên là “Thạch hoa phi lai”.

Về thiết kế hai đình trên đều xây dựng theo kiểu chồng diêm. Đình trong có 5 gian bằng gỗ lim, các kèo có chạm trổ long ly, đằng sau có hai hậu cung để ngai khám, bài vị thờ thánh; hai bên Đông, Tây có hai lực sĩ (hộ Pháp) đứng gác cửa đình, giữa là vọng lâu để bày kiệu bát cống, hai bên có hai dây ống muống. Đình ngoài năm gian gỗ lim to đồ sộ, năm vì kèo có chạm trổ long ly rất tinh xảo, mái lợp ngói mũi, tường xây bằng gạch thất mỏng. Xung quanh hai đình trồng nhiều cây cối toả bóng mát như: đa, gạo, muỗm, cọ,… Hằng năm, mỗi đình đều tổ chức hội làng vào các ngày 10/3(lễ Sinh thánh), 20/5 (lễ Hạ điền), 13/8 (lễ Thánh về làng) và 25/5 âm lịch (lễ Thánh hoá). 

- Lễ hội làng ngày 20 tháng 5 (lễ Hạ điền) có phong tục:

Sáng 20-5, các chức dịch trong làng như: tiên thứ chỉ, chánh phó hương hội, lý trưởng và các cựu dịch ra đình làm lễ tế thần nông nghiệp ngoài trời gọi là “Hạ điền”. Tiên thứ chỉ, chánh phó hương hội đều chít khăn đỏ, thắt lưng đỏ nhổ mạ, gánh mạ ra cấy ở thửa ruộng trước cửa đình đã được bừa sẵn để làm phép trước sự chứng kiến của cả làng. Từ hôm đó trở đi nhân dân trong làng mới bắt đầu cấy phần ruộng của mình.

Tuy đời sống nhân dân còn có khó khăn nhưng gia đình nào cũng dành dụm tiền nong may quần áo mới cho mình, cho con cái và sắp xếp công việc gia đình để tham gia lễ hội, hết thời gian quy định của làng mới bắt tay vào lao động sản xuất.

- Lễ hội làng 13 tháng 8 (lễ Thánh về làng) có phong tục:

Những người trong hàng giáp nếu sinh con trai, khi tròn một năm đều tổ chức lễ vọng vào giáp cho con vào dịp 13 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ vọng hàng giáp được quy định gồm có một mâm xôi, một con lợn đực đưa ra đình tế Thánh (trọng lượng khoảng 50 kg trở lên). Khi tế xong lợn, xôi của giáp nào đưa về giáp ấy chia đều cho các đinh (nam giới từ 18 tuổi đến 59 tuổi) của giáp đó.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, hai ngôi đình là địa điểm chứng kiến sự ra đời của chính quyền cách mạng lâm thời của mỗi làng. Trong kháng chiến chống Pháp, hai ngôi đình trên và chùa Long Khánh là địa điểm hội họp, luyện tập của lực lượng kháng chiến địa phương; đồng thời là nơi tiễn đưa thanh niên lên đường tòng quân giết giặc. Đình làng Đông Đoài còn là nơi ra mắt Chi bộ Đảng đầu tiên của xã.

Hai ngôi đình đã trải qua nhiều biến cố, đình Đông Đoài chỉ còn lại đình giữa và hậu cung, đình An Phú chỉ còn lại một hậu cung. Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và chính quyền xã Vũ Đoài cùng với sự hảo tâm tiến cúng của nhân dân địa phương, hai ngôi đình đang được khôi phục từng bước. Năm 1995, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá đã được đăng ký bảo vệ cho 2 ngôi đình trên.

 

Tập tin đính kèm

Tin liên quan