Tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và các bệnh mùa hè cho trẻ em dịp nghỉ hè 2024
Ngày 17/06/2024

Tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và các bệnh mùa hè cho trẻ em dịp nghỉ hè 2024

Tai nạn thương tích có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt dễ xảy ra ở lứa tuổi học sinh do các cháu thường hiếu động, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng ngừa. Tai nạn thương tích biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như ngã, bỏng, điện giật, ngộ độc, đuối nước và tai nạn giao thông.

Media/361_xavudoai/FolderFunc/202406/Images/phong-chong-t-tich-o-tre-20240617092756-e.jpg

Để phòng tránh tai nạn thương tích đối với trẻ em nói chung và tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước nói riêng, cần thực hiện một số nội dung sau:

- Thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ em trách xa các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn thương tích như: Không để trẻ em tự cắm các thiết bị điện vào nguồn điện; tránh các nguồn nhiệt có thể gây bỏng như lửa, ga, nước nóng; không ăn uống thức ăn quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc; không gây gổ xích mích với bạn bè; không đi tắm ở sông, suối, ao, hồ khi không có người lớn đi cùng; thực hiện đúng các quy tắc khi tham gia giao thông…

- Một số kiến thức và kỹ năng cần thiết để trẻ em tự bảo vệ bản thân về tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước:

Về phòng tránh tai nạn giao thông:

- Khi đi bộ phải đi trên vỉa hè hoặc đi sát mép đường (đối với đoạn đường không có vỉa hè). Chỉ qua đường tại nơi có vạch dành cho người đi bộ, trường hợp không có vạch cho người đi bộ phải chú ý quan sát bảo đảm an toàn khi qua đường; trẻ em dưới 7 tuổi phải có người lớn đi kèm;

Media/361_xavudoai/FolderFunc/202406/Images/thuong-tich-3-20240617092930-e.jpg

- Luôn đi đúng phần đường, làn đường và đi về phía bên phải;

- Không chơi đùa dưới lòng đường hoặc gần đường giao thông;

- Trẻ em dưới 16 tuổi không được điều khiển xe gắn máy, xe máy điện; không được điều khiển xe mô tô khi chưa có GPLX; khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm;

- Khi đi xe buýt không nhảy, đeo bám xe, không chen lấn xô đẩy, không thò đầu, tay ra ngoài, khi xuống xe phải đi trên vỉa hè;

Về phòng tránh tai nạn đuối nước:

- Khi đi đò, phà phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi.

- Không nên chơi gần sông suối, ao hồ;

- Trẻ em không biết bơi thì không được tắm ở sông, suối, ao, hồ;

- Đối với trẻ em đã biết bơi không nên tắm những nơi nước chảy xiết, nước xoáy;

- Khi tắm nơi công cộng phải có người lớn đi cùng và mặc áo phao;

- Trẻ từ 6 tuổi trở lên cần được cho tập bơi.

Phòng tránh các bệnh mùa hè cho trẻ.

          Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hè nắng nóng, thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Trẻ em dễ mắc bệnh do sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Một số bệnh trẻ em hay mắc liên quan đến chế độ ăn, thức ăn, trẻ dễ bị ngộ độc với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy và có thể có sốt. Trẻ cũng có thể mắc một số bệnh thường gặp vào mùa hè như: Sốt vi rút, cúm, tay chân miệng, viêm đường hô hấp với các biểu hiện bệnh như: Sốt, ho, hắt hơi sổ mũi viêm loét ở miệng, ở tay, chân, tình trạng bội nhiễm kèm theo như viêm tai giữa, viêm VA hoặc viêm phổi.

 Để Phòng ngừa hiệu quả các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ các bậc phụ huynh cần chú ý và thực hiện:

          Chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp:

- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và chất khoáng theo nhu cầu của mỗi lứa tuổi.

- Đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng).

- Tăng cường rau xanh, trái cây tươi, bổ sung nhóm thực phẩm giàu đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, sắt, selen, omega 3, probiotic… là những chất dinh dưỡng tham gia vào các hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng cường miễn dịch cho trẻ.

- Cho trẻ uống đủ nước để đảm bảo hoạt động tốt nhất cho các hệ cơ quan. Nước giúp hệ thống nhầy ở đường hô hấp hoạt động tốt, bảo vệ được tế bào ở các niêm mạc không bị tổn thương, giảm khả năng kết dính của các tác nhân gây bệnh vào tế bào, giúp hạn chế các vi khuẩn và virus xâm nhập vào hệ hô hấp của trẻ.

Bên cạnh chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý thì các bậc cha mẹ cũng cần phải kiểm soát thức ăn cho bé vào mùa hè. Các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn thức ăn cho các con, tránh việc các bé tự tìm thức ăn. Khi đi xa thì cũng cần có kế hoạch cho em bé về thức ăn, đặc biệt các em bé dưới 1 tuổi. Thông thường khi ở nhà thì thức ăn cho bé được chuẩn bị rất cẩn thận, thế nhưng đi xa có thể không được chuẩn bị như vậy, nên phải có kế hoạch đi đâu, ăn uống như thế nào cho các em bé dưới 1 tuổi.

Media/361_xavudoai/FolderFunc/202406/Images/unnamed-20240617093517-e.jpg

Chế độ sinh hoạt khoa học:

Hằng ngày chế độ sinh hoạt của trẻ phải được cha mẹ đảm bảo thực hiện khoa học đồng thời đúng cách để giúp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ.

- Thường xuyên rửa tay cho trẻ, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, đồ chơi của trẻ cần được lau sạch sẽ hằng ngày.

- Không mớm cho trẻ ăn, bởi khi đó cha mẹ đã vô tình lây truyền bệnh cho trẻ.

- Mỗi trẻ phải có khăn mặt, khăn tay hay các dụng cụ ăn riêng.

- Nhà cửa phải thông thoáng, lau dọn sạch sẽ bằng chất tẩy rửa hằng ngày.

Chế độ vận động hợp lý:

Vận động tốt cho quá trình phát triển thể lực của trẻ, đồng thời cũng giúp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ. Tuy nhiên thời tiết nóng bức của mùa hè, cha mẹ cần chú ý đến những việc như sau:

- Không nên để trẻ chơi ngoài trời nắng nhất là vào buổi trưa

- Khi chơi trẻ ra nhiều mồ hôi làm ướt áo, cần thay cho trẻ ngay để không bị nhiễm lạnh gây viêm đường hô hấp.

 Chế độ ngủ nghỉ hợp lý:

- Thời gian ngủ của trẻ phụ thuộc vào độ tuổi của các bé. Nên để trẻ ngủ đủ giấc vừa tốt cho sức khỏe vừa đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh toàn diện. Vì khi ngủ là thời gian não hoạt động mạnh giúp trẻ tăng trưởng tốt hơn.

- Khi ngủ không để điều hòa ở nhiệt độ thấp quá 27 – 28 độ C, không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ, dễ khiến trẻ cảm lạnh.

 Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ:

Hầu hết bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em đều có vắc xin phòng bệnh và phòng bệnh bằng vắc xin là biện pháp hiệu quả và rẻ nhất.

Hiện nay các vắc xin phòng bệnh cho trẻ em được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hoặc tại các phòng tiêm dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cha mẹ cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi.

Trên đây là những biện pháp phòng tránh bệnh mùa hè cho trẻ vào mùa hè mà các bậc phụ huynh cần biết để chủ động phòng ngừa những nguy cơ gây bệnh xuất hiện ở trẻ, đảm bảo trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện

 


Tổng lượt xem bài viết là: 55
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn đánh giá:




Tin tức khác